Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cầu Nhật Tân lung linh trong đêm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
© Copyright 2012 HFIC, Corporation. All rights reserved
Viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam
Tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam và Nhật Bản diễn ra ngày 7/3, điểm lại một số nét chính về quan hệ hợp tác phát triển ODA giữa hai nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Nhật Bản là một trong những mối quan hệ hợp tác phát triển song phương thành công nhất của Việt Nam thời gian qua, là một trụ cột quan trọng, là cầu nối, chất xúc tác cho các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương
Sau hơn 30 năm, kể từ năm 1992 đến nay, với trên 2.700 tỷ Yên ODA vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện ở 4 điểm chính.
Thứ nhất, ODA Nhật Bản để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, tạo ra động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.
Một số dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn tiêu biểu như: Sân bay (Nội Bài và Tân Sơn Nhất), cảng biển (Cái Lân, Lạch Huyện, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải), cầu (Thanh Trì, Nhật Tân, Bính, Bãi Cháy, Cần Thơ), đường quốc lộ (đường cao tốc Bắc Nam các đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường quốc lộ 5, 10, 18), nhà máy điện (Phả Lại, Phú Mỹ, Ô Môn), hạ tầng đô thị (các tuyến metro tại TPHCM và Hà Nội, thoát nước và xử lý nước thải tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương…), Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh và quản lý kinh tế (EMCC).
Thứ hai, ODA Nhật Bản góp phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Viện trợ phát triển Nhật Bản hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình cử người tình nguyện và chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam và các chương trình đào tạo của JICA. Thông qua việc thực hiện các dự án ODA vốn vay, nhiều công nghệ tiên tiến cũng sẽ được chuyển giao cho Việt Nam như lắp ráp vệ tinh, kỹ thuật xây dựng cầu, đường.
Thứ ba, ODA Nhật Bản gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản
Theo Thứ trưởng Phương, đặc trưng ODA Nhật Bản là được sử dụng cho các dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn trong các lĩnh vực quan trọng như phát điện, cấp thoát nước, giao thông vận tải, qua đó cải thiện hạ tầng kinh tế -xã hội và có tác động to lớn trong việc thu hút FDI ở Việt Nam
Thứ tư, trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần xoá đói giảm nghèo. Tác động trực tiếp của viện trợ phát triển Nhật Bản là thông qua các dự án phát triển hạ tầng kinh tế quy mô nhỏ, đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện, đường giao thông nông thôn, cầu nhỏ và các công trình cấp nước, điện sinh hoạt tại các địa phương nghèo.
Đồng thời, tác động gián tiếp của viện trợ phát triển Nhật Bản thể hiện trong các dự án sử dụng ODA vốn vay phát triển hạ tầng kinh tế quy mô lớn góp phần thu hút vốn đầu tư tư nhân trong nước và FDI, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động ở khu vực nông thôn; các dự án viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng như cử tình nguyện viên đến công tác tại các địa phương của Việt Nam đã giúp nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở....
"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc đối với một số chương trình, dự án, đòi hỏi hai bên phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực chung, chúng ta sẽ cùng đưa quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới", Thứ trưởng Phương thẳng thắn chia sẻ.
Đề xuất để thúc đẩy nguồn vốn ODA
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tiếp tục được xác định là cần thiết và quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi của Việt Nam trong giai đoạn tới khá tương đồng với chính sách cung cấp ODA của Nhật Bản; các loại hình cung cấp ODA của Nhật Bản đa dạng như vốn vay, viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật, cung cấp ODA qua bên thứ 3,… phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của Việt Nam.
Nhật Bản có khả năng cung cấp vốn vay ODA cho các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam, nhất là việc triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là để triển khai có hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất hai bên tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác phát triển.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm các vướng mắc đối với một số dự án sử dụng ODA của Nhật Bản đang triển khai tại Việt Nam.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phương cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét, cung cấp những khoản vay lớn, tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho những dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và y tế.
"Với nền tảng Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, với những nhận thức chung lớn đã được thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng với sự đồng lòng nỗ lực của chúng ta, quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Nhật Bản nhất định sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu
Về phía Bộ Tài chính và cơ quan ngoại giao của Việt Nam, có sự tham dự của ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN); ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế; ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính và UBCKNN.
Về phía Nhật Bản, có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính Nhật Bản, Cơ quan các dịch vụ Tài chính Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Cục Công Nghiệp và Lao động Tokyo, Hiệp Hội kinh doanh Chứng khoán Nhật Bản.
Hội nghị đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam là các định chế tài chính, ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các tập đoàn, doanh nghiệp của hai nước tham dự.
Hội nghị đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam là các định chế tài chính, ngân hàng, tập đoàn bảo hiểm nhân thọ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, sự tham gia đông đảo và tích cực, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu trong việc cùng chung tay xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản ngày càng bền chặt và thịnh vượng hơn. Hội nghị sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội lớn hơn nữa cho hợp tác và phát triển giữa hai nước.
Bộ trưởng cho biết, sau hơn 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, năm nay là năm đầu tiên Việt Nam và Nhật Bản triển khai thực hiện quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới", Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản tại Đông Nam Á.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương trực tiếp trao đổi những giải pháp giải quyết vấn đề còn vướng mắc trong công tác nâng hạng thị trường cũng như chính sách để tăng cường các quy định về công bố thông tin, giao dịch nội gián, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam
Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kỳ vọng sau Hội nghị này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản, các cơ quan, tổ chức có liên quan của Nhật Bản tiếp tục phối hợp để tô đậm thêm mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.
"Chúng tôi mong chờ vào sự tiếp tục thành công của doanh nghiệp Nhật Bản, nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, vì sự thành công của các bạn cũng là sự thành công của chúng tôi", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ Tài chính đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Nhật Bản về sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp và ghi nhận việc tái khẳng định cam kết của các Lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý TTCK Việt Nam trong công tác nâng hạng TTCK. Bộ Tài chính, UBCKNN đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hợp tác sâu sắc và toàn diện với các đối tác nước ngoài, trao đổi thông tin với các bên liên quan nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tháo gỡ những vướng mặc khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chia sẻ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ triển khai để tạo dựng cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển thị trường, hoàn thiện khung khổ pháp lý; chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn cho danh nghiệp; tập trung thanh tra, kiểm tra đảm bảo TTCK an toàn, minh bạch; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Tại Hội nghị, đại diện từ các công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết lớn trên TTCK Việt Nam đã trình bày các bài tham luận về cơ hội đầu tư trên TTCK Việt Nam, tiềm năng phát triển tài chính xanh, nhu cầu vốn của doanh nghiệp niêm yết cho phát triển bền vững, an ninh năng lượng cũng như nhu cầu hợp tác phát triển bền vững với nhà đầu từ nước ngoài.
Về phía các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takafumi Oue, Trưởng văn phòng đại diện công ty chứng khoán Daiwa tại Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm đầu tư vào thị trường chừng khoán Việt Nam.
Ông Takafumi Oue cho biết, từ năm 2008, Công ty chứng khoán Daiwa đã ký kết liên minh với Công ty chứng khoán SSI và tham gia nhiều hoạt động mua bán và sáp nhập thành công trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đại diện Daiwa đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản chào đón và khẳng định thời gian tới Daiwa sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Trong phiên đối thoại chính sách tại Hội nghị, các nhà đầu tư Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đối với cơ hội đầu tư trên TTCK Việt Nam và có nhiều câu hỏi đối với các chính sách phát triển thị trường chứng khoán, nâng hạng thị trường - thu hút các dòng vốn mới...
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã trực tiếp trao đổi những giải pháp giải quyết vấn đề còn vướng mắc trong công tác nâng hạng thị trường cũng như chính sách để tăng cường các quy định về công bố thông tin, giao dịch nội gián, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam.